Bên cạnh những đường bờ biển dài bất tận, vùng đồi núi hùng vĩ cũng là nơi cuốn hút bao tín đồ đam mê du lịch phượt khám phá. Một trong những cung đường đèo đẹp nhất Việt Nam mà chúng tôi muốn nhắc tới với những khúc quanh uốn lượn, núi rừng bao bọc không đâu khác ngoài  đèo Ngoạn Mục hay còn gọi là  đèo Sông Pha. Và nếu như bạn đang muốn tìm hiểu, khám phá cung đường đèo này cho chuyến du lịch phượt sắp tới thì có thể tham khảo thông tin chi tiết có trong bài viết dưới đây.

Đèo Ngoạn Mục (Sông Pha) ở đâu? Dài- cao- dốc như thế nào?

Trên bản đồ Việt Nam ghi Đèo Ngoạn Mục nhưng người dân thường gọi với cái tên đèo Sông Pha, con đèo này tọa lạc trên đường quốc lộ 27 điểm nối từ Phan Rang Ninh Thuận đến Đà Lạt với chiều dài hơn 20km với độ dốc trung bình 9 độ, độ cao thấp nhất là 200m, độ cao nhất là 980m.

Đây là một trong những con đường đèo đẹp với 4 khuỷu tay nguy hiểm, uốn lượn nhiều sườn đồi, dốc núi thăm thẳm nối liền hai tỉnh Ninh Thuận và huyện Đơn Dương thuộc Lâm Đồng, cung đường này men theo sườn núi nối thung lũng Ninh Sơn và vùng cao nguyên Lang Bi Ang. Đèo Ngoạn Mục là xem là tuyến đường huyết mạch, cửa ngõ giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung.

Lịch sử xây dựng đèo Ngoạn Mục

Vào năm 1893, bác sĩ Yersin phát hiện ra Đà Lạt, đến năm 1897 toàn quyền Doumer cùng với một nhóm nghiên cứu đã lập ra kế hoạch xây dựng một tuyến đường mục đích nối Phan Rang Ninh Thuận với Đà Lạt phục vụ cho quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng thành phố Đà Lạt.

Với sự chỉ huy Thouars ( đại úy người Pháp), nhóm nghiên cứu đã vẽ ra một cung đường với lộ trình dài 122 km kết nối giữa Phan Rang đi qua thung lũng Ninh Sơn đến thị trấn Dran thuộc huyện Đơn Dương hiện nay. Theo kế hoạch, con đường này tiếp tục xuyên qua thung lũng Đa Nhim, khu vực K’Long dưới chân núi Voi đến đèo Prenn rồi tiến thẳng tới  Đà Lạt.

Xuyên suốt lộ trình đầy gian nan này, người Pháp đã lên kế hoạch và thực hiện xây dựng một cung đường xuyên qua dãy núi cao chính là đèo Ngoạn Mục (Sông Pha) ngày nay và một tuyến đường sắt răng cưa song song với con đường này được xây dựng vào năm 1917.

Năm tháng dần trôi, con đường Đèo Ngoạn Mục được sửa sang 2 lần của người Pháp và người Nhật, sau đó là quá trình tu sửa của Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, đèo Ngoạn Mục trở thành khu bảo tồn Thiên nhiên được nhà nước công nhận theo quyết định số 194/CT của Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng đã ký vào tháng 8 năm 1968.

Khám phá con đường đèo Ngoạn Mục ( đèo Sông Pha )

Với địa hình hiểm trở, đồi núi hùng vĩ bao quanh, Đèo Ngoạn Mục trở thành điểm đến lý tưởng cho những du khách yêu thích du lịch phượt bằng xe đạp hoặc  xe máy trên đường từ Phan Rang đến Đà Lạt và ngược lại.

Thu hút bởi cảnh sắc thiên nhiên

Đèo Ngoạn Mục thu hút bởi cảnh sắc núi rừng trùng điệp với khúc quanh uốn lượn thay đổi theo không gian và thời gian. Nếu lên đèo vào buổi sáng, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi cảnh núi đồi với những cụm mây mờ mịt giăng kín lối hay vào những buổi chiều đông khi đứng từ vách đồi sẽ thấy những mảng rừng màu xanh lá đỏ bao la.

Ven đường đèo, cỏ cây mọc rậm um tùm với nhiều khúc cua “ngoạn mục” tựa như khuỷu tay của một người khổng lồ co gập lại, mỗi lần du khách vượt qua những khúc quanh này là mỗi lần nín thở với độ cao, hiểm trở của đèo.

Dọc theo hai bên đường đèo, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những suối thác cắt ngang vách núi với thảm thực vật phong phú, đa dạng khác nhau. Nếu như phía dưới đèo là rừng tái sinh với nhiều cây dây leo, tre trúc mọc thành vòm… thì lên cao bạn sẽ thấy những đồi thông xanh thẳm; cỏ dại, cỏ lau phất phơ theo gió đầy kiêu hãnh trong nắng sớm mai.

Khi di chuyển lên cao hơn, du khách sẽ thấy dã quỳ vàng rực trải thảm hai bên, áng mây của vùng cao nguyên lộng gió lơ lửng trên không trung mềm mại giữa khoảng rừng xanh thẳm. Tới đây bạn có thể check in sống ảo lưu lại chuyến đi đáng nhớ.

Không chỉ hấp dẫn bởi thiên nhiên kỳ thú, con đường đèo Ngoạn Mục đầy ấn tượng này còn đem đến cảm  giác thú vị cho du khách bởi sự thay đổi về khí hậu đặc thù khác nhau qua từng cung đường khi di chuyển giữa 2 vùng Phan Rang và Đà Lạt. Nếu như địa phận Ninh Thuận, cái nắng cái gió bao trùm khiến bạn cảm thấy mệt mỏi thì khi di chuyển lên đèo xuyên qua cao nguyên Lâm Viên bạn sẽ thấy được sự mát dịu với những cơn gió se lạnh.

Chiêm ngưỡng vẻ đồ sộ của nhà máy thủy điện Đa Nhim

Từ  đèo Ngoạn Mục phóng tầm mắt ra xa, bạn có dịp được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đồ sộ của nhà máy thủy điện Đa Nhim – một trong những công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam được xây dựng vào những năm 1962.

Khám phá điểm du lịch gần đèo

Cách con đường đèo không xa, du khách có thể tới vườn trái cây quy mô lớn (thông thường vào tháng 6-7 là mùa trái cây chín rộ) là cơ hội để bạn tận hưởng, thưởng thức những loại trái cây ngon đặc trưng của vùng cao nguyên. Một số vườn trái cây nổi tiếng có thể kể đến như: Bốn Tạo, Bé Tèo, Quang Lai, đặc biệt là khu du lịch sinh thái Sakai.

Vườn trái cây đa dạng các loại quả ngon như mít, sầu riêng, bơ, chôm chôm, măng cụt sai trĩu quả, bạn có thể thoải mái check in và mua về làm quà biếu ý nghĩa.

Gần bên khu vườn trái cây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng thác Sakai huyền thoại, thơ mộng với dòng thác mát lạnh, trong trẻo xen kẽ những tảng đá lớn nhấp nhô giữa đường rừng với dòng thác nước bọt tung trắng xóa, là điểm tuyệt vời để nhóm du lịch phượt cắm trại, tụ tập thưởng thức bữa ăn yên bình giữa cảnh sắc thiên nhiên đẹp đầy quả ngọt, tiếng chim líu lo bìa rừng.

Một số lưu ý khi du lịch đèo Ngoạn Mục

Phải nói rằng đây là một cung đường đèo đẹp, kỳ vĩ nhưng ẩn chứa sự nguy hiểm. Vì thế, nếu bạn muốn chinh phục cung đường này, hãy lưu ý một số điểm dưới đây.

  • Chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ như mũ bảo hiểm, đau bảo vệ gối, khuỷu tay
  • Đi xe số hoặc xe côn thay vì đi xe tay ga
  • Vì giao hòa giữa vùng nóng và lạnh nên bạn cần chuẩn bị trang phục phù hợp
  • Nếu check in đỉnh đèo, hãy chọn vị trí phù hợp để tránh vướng phải những xe khác đang đi trên đèo.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về đèo Ngoạn Mục mà bạn có thể tham khảo. Mong rằng hữu ích dành cho bạn cho chuyến hành trình sắp tới.