Mục lục
Rừng tràm Trà Sư – Check-in rừng tràm đẹp nhất Việt Nam
Rừng tràm Trà Sư – ưu đãi của thiên nhiên dành cho vùng đất An Giang, là điểm du lịch “cực hot” mà du khách khó cưỡng khi du lịch miền Tây. Đến đây, du khách sẽ choáng ngợp bởi lạc vào thế giới thiên nhiên đầy sắc màu của rừng tràm với đa dạng động thực vật quý hiếm. Các bạn tha hồ chụp ảnh check-in cực đã mắt với nhiều góc sống ảo trong rừng và cảm nhận không khí thiên nhiên thanh bình giữa không gian hùng vĩ của rừng tràm.
Đôi nét về Rừng tràm Trà Sư
Giải thích tên gọi rừng tràm Trà Sư
Tên gọi Trà Sư có người cho rằng nghĩa là là ông thầy tu. Trong đó “Trà” là biến âm của “tà” – trong tiếng Khmer có nghĩa là ông; còn “Sư” được hiểu theo nghĩa Hán Việt là ông thầy tu. Thậm chí có ý kiến cho rằng “Trà Sư” có ý nghĩa là một ông sư (thầy chùa) tên Trà.
Rừng tràm Trà Sư ở đâu? Hướng dẫn đi rừng tràm Trà Sư
- Nhiều du khách nhầm lẫn rằng rừng tràm Trà Sư ở Châu Đốc. Sự thật là rừng tràm Trà Sư tọa lạc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
- Rừng Trà Sư nằm cách thành phố Cần Thơ khoảng 110km và thành phố Long Xuyên khoảng 55km.
- Giờ mở cửa: 5h00 – 21h00.
- Phương tiện đi rừng tràm Trà Sư từ Cần Thơ
Bạn đi theo QL 91 qua thành phố Long Xuyên, qua thành phố Châu Đốc, rẽ trái để đi thị trấn Nhà Bàng. Tại đây bạn rẽ hướng đi cầu Bừng Tiền. Đến Cầu Bừng Tiền thì rẽ trái để vào rừng Tràm Trà Sư. Tổng cộng thời gian đi mất khoảng hơn 3 tiếng.
- Phương tiện từ Long Xuyên đi Trà Sư
– Đi theo quốc lộ 91: Khởi hành từ Long Xuyên, bạn đi dọc theo quốc lộ 91 đẻ vào thành phố Châu Đốc. Tại đây bạn rẽ trái và đi thẳng cho đến khi gặp Thị Trấn Nhà Bàng. Ở đây có một ngã 4, bạn rẽ trái đi theo hướng về cầu Bừng Tiền. Từ Cầu này bạn tiếp tục rẽ trái sẽ đến được rừng Tràm Trà Sư. Tổng thời gian di chuyển mất tầm 1 giờ 30 phút đi xe đến 2 giờ.
– Đi theo tỉnh tộ 941: Từ TP. Long Xuyên, bạn đi theo QL 91, sau đó gặp một ngã 3 thì rẽ vào DT 941 và đi thẳng cho tới khi gặp DT 948. Tại đây bạn rẽ phải vào DT 948 và đi thẳng cho tới khi gặp cầu Bừng Tiền thì rẽ phải và đi thẳng là đến Rừng Tràm Trà Sư.
- Phương tiện từ Châu Đốc đi Trà Sư
Đường đi phổ biến mà du khách thường đi là từ Châu Đốc đi đến Nhà Bàng, từ đây đi tiếp theo Tỉnh lộ 948, đến khu vực km số 6 gần câu Bừng Tiền thì rẽ trái đi vào rừng tràm Trà Sư. Từ đoạn đường rẽ trái này vào đến rừng tràm Trà Sư mất tầm 4km.
Đây là cung đường phổ biến, khách đi xe đạp, xe gắn máy, xe ô tô đều đi theo đường này được. Khoảng cách di chuyển là tầm 30km.
Giá vé tham quan khu du lịch rừng tràm Trà Sư
- Giá vé vào cổng tham quan là 100.000đ/người.
- Giá vé đi tắc ráng tham quan bên trong: 50.000đ/người (Khu vực riêng tắc ráng).
- Giá vé đi xuồng bá lá tham quan bên trong: 50.000đ/người (Khu vực riêng xuồng ba lá).
- Giá vé sử dụng kính viễn vọng trên tháp quan sát (không bắt buộc): 5000đ/lượt.
- Combo trọn gói tour: 190.000đ/người (Đi tàu xuồng và vé tham quan).
Rừng tràm Trà Sư mùa nào đẹp?
Mùa đẹp nhất ở rừng tràm Trà Sư An Giang nói riêng hay miền Tây nói chung là mùa nước nổi. Mùa nước nổi rơi vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Trong đó, thời gian đẹp nhất để tham quan rừng tràm đó là lúc 7h đến 9h sáng, là thời điểm bạn được tận mắt chiêm ngưỡng rất nhiều loài chim tụ tập hót líu lo. Sau đó, đến 17h – 18h chiều, bạn có thể đi lên đài quan sát ngắm nhìn hoàng hôn và từng đàn chim đang bay về tổ.
Kinh nghiệm du lịch rừng tràm Trà Sư – Rừng tràm Trà Sư có gì vui?
Khám phá thiên nhiên xanh mát
Ở đây mặt nước bao phủ bởi 2 loại bèo: bèo cám và bèo tai tượng. Trôi giữa dòng nước biếc xanh phủ kín bởi những cánh bèo, những tán tràm ngả vào nhau ở phía trên, đưa du khách lạc vào không gian xanh mát thanh bình. Chắc chắn bạn sẽ “mát mắt” với đoạn đường bèo xanh ở rừng Trà Sư và có được những ảnh selfie cực đẹp.
Khu du lịch sinh thái Rừng tràm Trà Sư còn là nhà của nhiều loài chim, thú,… quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam như giang sen, điêng điểng, cò Ấn Độ, cò lạo… Theo thống kê, nơi đây hiện có 11 loài thú, 25 loài bò sát, 23 loài cá. Ngoài ra, đây còn là nơi tụ họp của 140 loài thực vật, trong đó có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh, 78 loài thuốc…
Ngắm phong cảnh rừng tràm từ Tháp quan sát
Để có thể ngắm nhìn cả rừng tràm, du khách có thể lên tháp quan sát cao khoảng 23 mét ở giữa trung tâm. Với kính viễn vọng, bạn có thể nhìn thấy từng chi tiết đặc sắc trong rừng và thấy được khung cảnh thiên nhiên nơi đây đẹp như một bức tranh thủy mặc, gây thương nhớ cho du khách đã ghé qua.
“Cầu tre vạn bước” len lỏi vào rừng
“Cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam” là điểm nhấn cho toàn bộ khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư, còn được gọi là “Cây cầu tre vạn bước”. Cây cầu có tổng chiều dài trên 10km với thiết kế cách điệu tựa “rồng trúc bạch”, giúp du khách tự do khám phá trọn vẹn cảnh quan thiên nhiên nguyên sinh trù phú ở “Bảo tàng tràm nhiệt đới” rừng tràm Trà Sư.
Check in tại Hòn Trống Mái & Cầu Kiều
Trên đoạn đường tham quan ở cầu tre vạn bước, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hòn Trống Mái. Đây là điểm check-in được yêu thích bởi thiết kế duyên dáng và tinh tế của căn nhà.
Ngoài ra, điểm check in khác hấp dẫn du khách không kém đó là cầu Kiều. Tại An Giang, cầu Kiều biểu trưng cho sự phát triển thịnh vượng, phồn thịnh của tỉnh An Giang. Cây cầu gỗ độc đáo, giữa hồ có lầu ngồi ngâm thơ, hóng mát.
Đi tắc ráng và xuồng ba lá cực đã
Tắc ráng (Xuồng máy) là một phương tiện thú vị để khám phá rừng tràm Trà Sư và giúp bạn tiết kiệm đoạn đường khá nhiều công sức đi bộ. Đi đường sông ngòi giúp bạn ngắm nhìn, tận hưởng sự mát mẻ của thiên nhiên rừng tràm.
Đến vùng lõi, du khách chuyển từ chiếc tắc ráng sang một chiếc xuồng chèo tay để đi sâu vào tận ngóc ngách của rừng tràm. Những chiếc xuồng nan vừa đủ chỗ cho 4 người để len lỏi giữa những con rạch nhỏ, qua những tán tràm rủ ngang đầu người.
Trên đường tham quan, du khách có thể thấy người dân địa phương thu hoạch mật ong hoa tràm từ các thùng nuôi đặt trong rừng. Loại mật này có giá từ 300.000đ đến hơn 1 triệu đồng mỗi lít tuỳ chất lượng.
Thưởng thức đặc sản miền Tây ngon miệng giữa rừng
Cá lóc nướng, gà nướng tẩm mật ong, lẩu cua đồng, lẩu cá kèo, cá kèo nướng muối ớt, tôm sú nướng, lẩu cá linh bông điên điển,… là những món ăn được phục vụ bên trong nhà hàng rừng tràm, mang đậm chất miệt vườn miền Tây mà du khách có thể thưởng thức sau những đoạn đường tham quan.
Kinh nghiệm du lịch tự túc rừng tràm Trà Sư
- Lưu trú tại rừng tràm Trà Sư
Ở đây chưa phát triển dịch vụ lưu trú, nếu muốn ngủ lại thì có thể tự liên hệ với nhà người dân để ngủ qua đêm. Thường thì du khách sẽ lưu trú phổ biến ở Châu Đốc.
- Ăn uống ở rừng tràm Trà Sư
Du khách có thể ăn trong khu vực nhà hàng hoặc liên hệ với những quán ăn của người dân gần khu vực rừng tràm. Các món lẩu cá, cá nướng trui có giá giá dao động từ 100.000đ – 180.000đ. Các món nước giải khát có giá từ 10.000đ – 20.000đ.
Hiện nay rừng tràm Trà Sư là điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến với An Giang. Cả khu rừng được bao chùm một màu xanh tươi, đầy sức sống và dường như tất cả những vẻ đẹp thiên nhiên đều tập trung tại nơi đây, tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng sống động. Hãy lên lịch ngay để đi phượt rừng tràm Trà Sư các bạn nhé!
CÔNG TY TNHH & MTV ILACA.Trụ sở: 08 Nguyễn Tri Phương, KP.1, P. Mỹ Bình, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận.
MST/GPKD: 4500667920
Số Điện Thoại: 0888246885 (Điều hành Tour) – 079 79 022 82 (Ms Hằng)
Email: truyenthongcmc@gmail.com
Website: https://ninhthuantravels.com/
Zalo: 0888246685