Tháp Pôklông Garai hay Po Klong Garai, là tên gọi của cụm tháp Chăm mang nét đẹp vượt thời gian với lối kiến trúc độc đáo của nền văn minh Champa cổ tại Ninh Thuận. Quần thể tháp được xây dựng vào thời vua Chế Mân. Công trình được đánh giá từ kiến trúc đến nghệ thuật điêu khắc đều đạt đến đỉnh cao. Là di tích văn hóa thu hút đông đảo du khách đến Ninh Thuận tham quan và khám phá. Tháp Chàm có gì đặc biệt? Để tìm kiếm câu trả lời bạn hãy cùng https://ninhthuantravels.com/ tìm hiểu qua bài viết bên dưới.
Mục lục
I. Tháp Po Klong Garai ở đâu?
Tháp Chàm Ninh Thuận là nơi thờ cúng thiêng liêng và được xem là biểu tượng cho niềm tự hào của đồng bào Chăm sinh sống ở đây.
1. Địa chỉ tháp chàm Pô klông Garai!
Tháp tọa lạc trên đồi Trầu thuộc phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Cách trung tâm thành phố khoảng 08km về phía Tây Bắc.
2. Thời gian, giá vé tham quan Tháp Chàm?
Để vào tham quan di tích, khách du lịch phải mua vé vào cổng. Bạn yên tâm là giá vé rất rẻ, đặc biệt còn có cho thuê trang phục của đồng bào Chăm để bạn chụp hình.
- Thời gian phục vụ: 07:30 – 17:30 hàng ngày.
- Giá vé tham khảo: 10.000 đồng/trẻ em, 20.000 đồng/người lớn.
- Giá thuê đồ: 50.000 đồng/người
II. Hướng dẫn đường đến tháp pôklông garai
Để đi đến tháp chàm Pôklông Garai, bạn có thể đi theo hai con đường:
- Từ trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm bạn đi theo đường Ngô Gia Tự, theo hướng Quốc lộ 27 (mới) qua cầu Vượt Tháp Chàm, vừa xuống hết dốc cầu thì rẽ trái vào đường Bác Ái là sẽ đến nơi.
- Từ ngã 5 Phủ Hà, đi theo đường 21 tháng 08 hướng đi ga Tháp Chàm. Vừa qua đoạn giao xe lửa sẽ gặp đèn giao thông, tại đây bạn rẽ phải đi thêm một đoạn là sẽ nhìn thấy cụm tháp bên tay trái.
III. Lịch sử tháp chàm Poklong Garai
Là một di tích văn hóa ở Ninh Thuận, quần thể Tháp Chàm được xây dựng vào cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14 để thờ vua Po Klong Garai – một vị vua có công lớn đối với đất nước Champa xưa.
Ngày nay, tháp Pôklông Garai được đánh giá là cụm tháp đẹp nhất trong số các di tích tháp cổ còn lại ở Việt Nam. Di tích cổ với kiến trúc nghệ thuật độc đáo này đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 1979.
IV. Những nét đặc sắc của tháp Pô Klông Garai
Hàng năm, để tưởng nhớ công ơn của vua Po Klong Garai, đồng bào Chăm Bà La Môn tại Ninh Thuận lại sum họp về đây tổ chức các lễ hội truyền thống. Có 4 lễ trong một năm và thời gian các lễ hội được tính theo lịch Chăm:
- Lễ đầu năm: tổ chức vào tháng Giêng, đây là lễ mở cửa tháp Pôklông Garai.
- Lễ cầu mưa: tổ chức vào tháng 04, là một lễ quan trọng nhằm tôn vinh thần mưa. Là thần cai quản nông nghiệp để cầu cho mưa gió thuận hòa.
- Lễ hội Katê: Hay còn gọi là tết Katê, đây là lễ hội lớn nhất trong năm được tổ chức vào tháng 07.
- Lễ Chabun: đây là lễ cúng các vị Nữ thần trong tín ngưỡng của người Chăm, được tổ chức vào tháng 09.
1. Tháp Pôklông Garai nơi diễn ra lễ hội katê đặc sắc của người Chăm
Vào ngày 01 tháng 07 tính theo lịch Chăm, tại tháp Po Klong Garai sẽ diễn ra lễ hội Katê, đây được xem như là tết của người Chăm.
Lễ hội này để tôn thờ các vị thần, những vị vua có nhiều công lao với đồng bào. Là dịp tưởng nhớ ông bà tổ tiên và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Tết Katê diễn ra trong ba ngày, du khách đến Ninh Thuận sẽ được hòa mình vào không khí tươi vui của lễ hội. Chiêm ngưỡng các điệu múa quạt, vũ điệu Siva của các cô gái Chăm cùng nhiều hoạt động tín ngưỡng khác như: Lễ rước y trang, lễ mở cửa tháp, lễ cúng mừng Katê;…
Bên cạnh đó tại các địa phương sẽ tổ chức các trò chơi dân gian, hoạt động thể thao, văn nghệ ca hát mang đậm nét văn hóa của dân tộc Chăm. Đây sẽ là dịp để những người Chăm xa xứ trở về sum họp.
2. Khám phá kiến trúc huyền bí của tháp Pôklông Garai
Kiến trúc tháp Pôklông Garai gồm 3 tháp là tháp chính (Kalan), tháp lửa (Kosagrha) và tháp cổng (Gopura). Để lên tháp, sẽ có hai lối đi. Một là đi bộ theo cầu thang bằng đá, lối đi này bình thường sẽ đóng cửa và chỉ mở vào dịp lễ hội.
Hai là bạn sẽ đi bộ hoặc thuê xe điện chở lên theo lối đường nhựa.
Đứng dưới chân đồi, bạn dễ dàng nhìn thấy được vẻ đẹp hoài cổ của tháp chàm ở trên đỉnh. Các tháp được xây dựng rất tỉ mỉ và chắc chắn, nguyên liệu được dùng là loại gạch non được nung đỏ và kết dính lại bằng dầu cây rái. Khi càng lại gần, bạn sẽ được nhìn rõ từng đường nét của di tích kiến trúc tinh tế và độc đáo này.
- Tháp cổng – Gopura
Tháp cao khoảng 09m và được khắc họa hoa văn cầu kỳ. Khi xưa đây là nơi để vua đón khách và là cổng ra vào mỗi khi cử hành nghi thức cúng tế.
- Tháp chính – Kalan
Tháp Kalan là tháp lớn nhất và là nơi để thờ tượng vua. Có chiều cao hơn 20m với thiết kế nhiều tầng lặp lại chồng lên nhau và nhọn dần về phía đỉnh.
Cửa chính của tháp nằm ở hướng Đông, bên trên cửa được đặt tượng điêu khắc của thần Siva.
Bước vào bên trong tháp chính, bạn sẽ thấy tượng bò thần Nandin bằng đá bên tay trái, đầu tượng hướng vào trong.
Chính giữa tháp là ban thờ tượng bán thân của vua Po Klong Garai. Phía sau lưng tượng vua là một Yoni và một Linga.
Vòng ra phía sau ngôi tháp, bạn sẽ nhìn thấy có một ngôi miếu nhỏ, bên trong thờ tượng Kút hoàng hậu, theo sử sách ghi lại thì tên là Tố Lý.
Ngoài ra, xung quanh ngôi tháp còn có nhiều bia đá và Linga ghi lại các sự kiện lịch sử của người Chăm.
Đền tháp chính trong cụm Tháp Chàm là nơi thể hiện đầy đủ tính thẩm mỹ, nghệ thuật kiến trúc, văn hóa của thời đại Champa cổ.
- Tháp lửa – Kosagrha
Nằm giữa hai tháp về phía Nam từ đền chính nhìn ra là tháp thờ Thần Lửa cao hơn 09m. Ngôi tháp có 2 cửa lớn hướng về hai phía Đông, Bắc và một cửa sổ hướng về phía Nam. Tháp được dùng để bày vật tế lễ và giữ lửa tế nên được gọi là Tháp Lửa.
Khác với hai ngôi tháp còn lại có cấu trúc đỉnh nhọn thì tháp được xây theo kiểu mái cong ở hai đầu như hình chiếc thuyền.
V. Tham quan khu nhà trưng bày
Sau khi khám phá cụm tháp Po klong Garai, bạn có thể di chuyển xuống khu nhà trưng bày để tham quan, mua sắm.
Tại đây, bạn sẽ thấy được trang phục, dụng cụ trong cuộc sống hàng ngày mà đồng bào Chăm sử dụng.
Có khuôn viên rộng, nhiều cây xanh, gió mát, cho du khách thư giãn, nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, còn có khu nhà bán cà phê, nước giải khát và các đồ lưu niệm, phù điêu cho bạn mua về làm quà.
VI. Những lưu ý khi đến với tháp Pô Klông Garai tham quan
Tháp Pô Klông Garai là một địa điểm tâm linh của đồng bào Chăm vì thế khi đến đây bạn cần lưu ý một số điều để thể hiện là một khách du lịch văn minh.
- Trang phục phù hợp: không mặc quần áo hở hang, phản cảm.
- Vì là nơi trang nghiêm nên bạn tránh cười đùa lớn tiếng, dùng từ ngữ thiếu tôn trọng.
- Không thắp nhang trong tháp vì hành động này là không phù hợp với văn hóa Chămpa.
- Chụp ảnh: Để thể hiện sự tôn kính, khi chụp ảnh bên trong tháp du khách nên tránh đứng ngay chính diện hay quay lưng với tượng thờ.
- Giữ gìn di tích: không đập phá, vẽ bậy lên tường gạch và các di tích khác tại cụm Tháp.