Làng nghề gốm Bàu Trúc là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á. Cũng là một địa điểm du lịch tìm hiểu về văn hóa nổi tiếng và hấp dẫn tại Ninh Thuận. Nơi đây cho ra đời những sản phẩm gốm thủ công độc đáo từ cách tạo hình cho đến kỹ thuật nung đều được lưu giữ từ xưa cho đến nay. Hãy cùng Ninh Thuận Travels tìm hiểu về làng gốm Bàu Trúc nhé
Mục lục
I. Làng gốm Bàu Trúc ở đâu? Đường đi như thế nào?
Ninh Thuận là vùng đất tập trung nhiều các cộng đồng dân tộc Chăm. Các bạn đồng bào người Chăm thường sống thành làng và sẽ cùng nhau gìn giữ một ngành nghề truyền thống chung để bảo tồn văn hóa.
Và làng gốm Bàu Trúc là một trong ba làng nghề như thế ở Ninh Thuận lưu giữ những nét truyền thống văn hóa độc đáo của dân tộc Chăm.
Để trả lời câu hỏi làng gốm Bàu Trúc ở đâu? Và đường đi ra sao? Thì bạn có thể tìm chỉ đường theo google map. Vì đường đi rất thuận tiện nên mọi người đều dễ dàng di chuyển đến để tham quan. Xuất phát từ trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, đi về hướng Nam tầm 12km cho khoảng 20 phút đồng hồ ngồi xe là đến nơi.
Cổng vào làng gốm Bàu Trúc Ninh Thuận nằm ngay mặt đường quốc lộ 1A, thuộc khu phố 7, tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
II. Giá vé vào làng nghề gốm Bàu Trúc là bao nhiêu?
Tham quan làng gốm Bàu Trúc giá vé bao nhiêu? Bạn cứ yên tâm là đến với làng Bàu Trúc sẽ hoàn toàn miễn phí. Bạn sẽ được tận mắt nhìn quá trình những nghệ nhân tạo hình gốm.
Trải nghiệm tự tay làm nên một thành phẩm gốm mang sự sáng tạo của riêng bản thân và mua về một vài sản phẩm để làm kỷ niệm cũng như chung tay góp phần bảo tồn làng nghề.
III. Lịch sử hình thành làng nghề gốm Bầu Trúc
1. Nguồn gốc tên gọi của ngôi làng
Trước đây, theo tiếng Chăm làng có tên gọi là Paley Hamu Trok. Sau một trận lụt lớn mà dân làng phải dời về vùng đất cao hơn với bao quanh là cây trúc um tùm cùng một ao lớn có diện tích khá rộng. Từ hình ảnh đó mà làng được gọi là Bàu Trúc.
2. Truyền thuyết về tổ nghề của làng gốm Bàu Trúc
Theo dân gian truyền miệng, tổ nghề của làng chính là ông Poklong Chanh. Vào thời hưng thịnh của triều đại vua Chăm Po Klong Garai, ông đã từ chối làm quan triều đình và chọn quay về làng truyền dạy cho phụ nữ Chăm cách nắn và nung đất sét để làm thành những vật dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.
Qua những bàn tay tài hoa của người phụ nữ đã thổi hồn vào đất sét vùng sông Quao. Tạo ra những sản phẩm độc đáo, không những phục vụ đời sống tốt hơn mà còn phát triển thành nét văn hóa riêng được giữ gìn suốt hơn nghìn năm nay.
Vào ngày 02 tháng 07 hàng năm theo lịch Chăm, người dân làng Bàu Trúc sẽ chuẩn bị cho lễ giỗ tổ nghề gốm tại đền Poklong Chanh. Lễ giỗ tổ được tiến hành sau dịp tết Katê tại cụm tháp Pô Klong Garai.
Đây là dịp để đồng bào Chăm làng gốm Bàu Trúc tưởng nhớ công ơn của ông đã mang lại cho dân làng một nghề đảm bảo một cuộc sống ấm no.
IV. Khám phá những đặc sắc của làng gốm Bàu Trúc
1. Thủ thuật làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc
Nét đặc trưng của sản phẩm gốm Bàu Trúc là những thành phẩm được làm hoàn toàn bằng thủ công với cách nung gốm đầy độc đáo. Từ các công đoạn lấy nguyên liệu, nhào đất sét, nặn gốm đến làm lò nung đều được làm thủ công bằng sức tay và chân của người dân.
2. Nguyên liệu làm nên gốm Bàu Trúc
Gốm Bàu Trúc Ninh Thuận được trộn từ đất sét và cát mịn lấy từ hai bên ruộng lúa của bờ sông Quao.
Để lấy được lớp đất sét thích hợp làm gốm, người dân phải đào sâu qua ba lớp đất bên trên thì mới thấy được lớp đất sét này.
Sau đó đất sét được mang về phơi khô, rồi đập vỡ vụn ra và nhồi cùng với nước để tạo thành một hỗn hợp dẻo và kết dính. Nghệ nhân sẽ trộn phần đất này với cát mịn để tạo thành nguyên liệu làm gốm.
3. Nghệ thuật làm gốm đặc biệt không sử dụng bàn xoay
Điều khác biệt khi làm gốm ở làng Bàu Trúc là không sử dụng bàn xoay chuyên dụng. Sở dĩ có điểm khác này là vì kết cấu đất sét đặc biệt của nơi đây khi đặt lên bàn xoay sẽ bị dính chặt, khó tạo hình gốm. Do đó, để có thể chế tác gốm, người dân phải sử dụng cách truyền thống là nặn bằng tay.
Vì vậy, nghệ nhân vừa phải di chuyển quanh bàn làm gốm vừa tập trung tạo hình gốm theo hình dáng mong muốn.
Đây là một thử thách đối với những người làm nghề, vì thế những sản phẩm gốm thành phẩm chất chứa nhiều công sức và sự tỉ mỉ của người dân làng gốm Bàu Trúc.
4. Tạo hình hoa văn đậm chất đời thường
Những hình ảnh trang trí trên các sản phẩm mang đậm nét dân dã, gần gũi trong đời sống của người dân. Và những dụng cụ tạo hình lại vô cùng đơn giản, chỉ với một cái cây, vòng tre, vỏ sò, vải,… Hay chỉ là từ bàn tay của người nghệ nhân cũng tạo được hoa văn trên các sản phẩm.
Sau khi được khắc họa xong, gốm sẽ được để nơi thoáng mát, hong khô tự nhiên.
Gốm khi bắt đầu khô nước sẽ hiện lên màu gốm, lúc này gốm sẽ được đem phơi dưới nắng để khô hẳn rồi mới đưa đi nung.
5. Lò nung gốm lộ thiên độc lạ
Ở làng Bàu Trúc, không có lò nung cố định. Mỗi một lần nung gốm, người dân sẽ tạo một lò nung lộ thiên.
Để bắt đầu nung gốm, người nghệ nhân sẽ rải một lớp vỏ trấu tại một khu vực sân rộng.
Bên trên lớp trấu là lớp củi, sau đó là lớp gốm đủ loại được sắp xếp đan xen và cuối cùng phủ rơm khô lên bao hết toàn bộ sản phẩm rồi đốt.
Thời gian kéo dài khoảng 10 đến 12 tiếng, tùy theo độ dày, mỏng của gốm và thường là sẽ nung qua đêm.
Sau khi gốm đã được nung chín, các thành phẩm gốm Bàu Trúc sẽ được tạo độ bóng bằng cách xịt phun tinh chất từ vỏ hạt điều lên khi vừa nguội. Gốm khi được hoàn thành sẽ có màu đỏ pha đen có độ bóng đẹp mắt.
Vì gốm được làm thủ công nên mỗi một sản phẩm đều là một sự sáng tạo riêng nên thành phẩm sẽ là duy nhất, nhìn có thể sẽ hơi giống nhau nhưng căn bản sẽ không có cái nào giống với cái nào.
V. Làng gốm bàu trúc – Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ
Vào ngày 29/11/2022, làng gốm bàu trúc được Unesco công nhận là “Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.
Đây là động lực để Ninh Thuận nỗ lực hơn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của nghệ thuật làm gốm Chăm để một di sản độc đáo không bị mai một.
Trải qua nhiều năm đô thị hóa, nhịp sống phát triển, cuộc sống trở nên ồn ào và vội vã hơn. Thì làng gốm Bàu Trúc Ninh Thuận vẫn ở đó, vẫn giữ nguyên nét làm gốm truyền thống giữa dòng chảy của thời gian.
Nếu một ngày, bạn muốn tìm về với những vẻ đẹp văn hóa của đồng bào Chăm, hãy dừng chân tại nơi đây và tận hưởng không gian yên bình nhất khi bạn tự tay thổi hồn vào đất.
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY TNHH MTV ILACA
Trụ sở: 08 Nguyễn Tri Phương, K.K1, P. Mỹ Bình, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận.
Số điện thoại: 19008991 – 0888.246.685 (Điều hành Tour)
Email: infoilacatravel@gmail.com
Website: https://ninhthuantravels.com/
Zalo:0888.246.685 (ILACA)